Sau cuộc họp đầu tiên, vào ngày 28 tháng 9 năm 1864, Hiệp hội công nhân quốc tế (hay còn gọi là “Đệ Nhất Quốc Tế ”) đã nhanh chóng khơi dậy niềm đam mê trên khắp Châu Âu.
Nó khiến cho đoàn kết giai cấp trở thành một lý tưởng chung và truyền cảm hứng cho đông đảo phụ nữ và nam giới đấu tranh chống bóc lột. Nhờ hoạt động của nó, người lao động có thể hiểu rõ hơn về cơ chế của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhận thức rõ hơn về sức mạnh của bản thân và phát triển những hình thức đấu tranh mới, tiên tiến hơn cho quyền lợi của mình.
Ban đầu, Quốc Tế là một tổ chức chứa đựng nhiều quan niệm chính trị truyền thống khác nhau, đa số là những người theo chủ nghĩa cải lương hơn là cách mạng. Ban đầu, động lực then chốt là chủ nghĩa công đoàn của Anh, các nhà lãnh đạo chủ yếu quan tâm đến các câu hỏi về kinh tế. Họ đấu tranh để cải thiện điều kiện của người lao động, nhưng không đặt vấn đề về chủ nghĩa tư bản. Do đó, họ quan niệm Quốc tế chủ yếu như một công cụ để ngăn chặn việc nhập khẩu lao động từ nước ngoài trong trường hợp đình công.
Nhóm quan trọng thứ hai là những người theo chủ nghĩa tương hỗ, thống trị từ lâu ở Pháp. Để phù hợp với các lý thuyết của Pierre-Joseph Proudhon, họ phản đối bất kỳ sự tham gia của tầng lớp lao động nào vào chính trị và cuộc đình công như một vũ khí đấu tranh.
Sau đó, có những người Cộng sản phản đối chính hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa và lập luận về sự cần thiết của việc lật đổ nó. Vào thời điểm thành lập, hàng ngũ của Quốc Tế cũng bao gồm một số công nhân được truyền cảm hứng từ các lý thuyết không tưởng và những người lưu vong có tư tưởng dân chủ mơ hồ và quan niệm giai cấp, những người coi Quốc Tế là công cụ để phát ra lời kêu gọi chung cho giải phóng các dân tộc bị áp bức.
Chính Karl Marx là người đã đưa ra một mục đích rõ ràng cho Quốc Tế và là người đã đưa ra được một chương trình chính trị dựa trên giai cấp công nhân không loại trừ các trường phái khác, nhưng vững chắc và đã giành được sự ủng hộ của quần chúng. Từ chối chủ nghĩa bè phái, ông đã làm việc để gắn kết các mối quan hệ khác nhau của Quốc tế lại với nhau. Marx là linh hồn chính trị của Hội đồng (cơ quan làm việc tổng hợp thống nhất các khuynh hướng khác nhau và ban hành các hướng dẫn cho tổ chức nói chung). Ông đã soạn thảo tất cả các nghị quyết chính và chuẩn bị gần như tất cả các báo cáo đại hội.
Nhưng tất nhiên, Quốc Tế hơn Marx, là một nhà lãnh đạo xuất sắc như tên vốn có của nó. Như người ta thường viết, nó không phải là “sự sáng tạo của Marx”. Đúng hơn đó là một phong trào xã hội và chính trị rộng lớn nhằm giải phóng các giai cấp công nhân. Quốc tế được thành lập trước hết là nhờ các cuộc đấu tranh của phong trào lao động trong những năm 1860. Một trong những quy tắc cơ bản của nó – và sự khác biệt cơ bản với các tổ chức lao động trước đây – là “sự giải phóng của các giai cấp công nhân phải được thực hiện bởi chính các giai cấp công nhân”.
Marx rất quan trọng đối với Quốc tế, nhưng Quốc tế cũng có tác động rất tích cực đối với Marx. Sự tham gia trực tiếp của ông vào các cuộc đấu tranh của công nhân có nghĩa là ông được thúc đẩy phát triển và đôi khi sửa đổi các ý tưởng của chính mình, đưa những lập luận cũ ra thảo luận và tự đặt ra những câu hỏi mới, đồng thời làm sắc nét thêm sự phê phán của ông đối với chủ nghĩa tư bản bằng cách vẽ ra những đường nét rộng lớn của một xã hội cộng sản.
Lý thuyết và cuộc đấu tranh
Cuối những năm 1860 và đầu những năm 1870 là thời kỳ đầy rẫy những xung đột xã hội ở Châu Âu. Nhiều công nhân tham gia các hành động phản đối đã quyết định liên lạc với Quốc Tế, danh tiếng của họ nhanh chóng được lan truyền rộng rãi. Từ năm 1866 trở đi, các cuộc bãi công đã tăng cường ở nhiều nước và tạo thành cốt lõi của một làn sóng vận động mới và cực quan trọng. Quốc tế rất chi là cần thiết trong các cuộc đấu tranh giành được thắng lợi của công nhân ở Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ. Kịch bản giống nhau trong nhiều cuộc xung đột này: công nhân ở các quốc gia khác đã gây quỹ ủng hộ những người bãi công và đồng ý không nhận các công việc có thể biến họ thành lính đánh thuê công nghiệp. Kết quả là, các ông chủ buộc phải thỏa hiệp với nhiều yêu cầu của các công nhân. Những tiến bộ này được hỗ trợ bởi sự phổ biến của các tờ báo hoặc đồng tình với các ý tưởng của Quốc tế và cơ quan Đại Hội Đồng. Cả hai đều đóng góp vào sự phát triển của ý thức giai cấp và tiến hành sự lưu hành nhanh chóng các tin tức liên quan đến hoạt động của Quốc Tế.
Trên khắp châu Âu, hiệp hội đã phát triển một cơ cấu tổ chức hiệu quả và tăng số lượng thành viên của nó (150.000 vào thời cao điểm). Đối với tất cả những khó khăn liên quan đến sự đa dạng về dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa chính trị, Quốc tế đã cố gắng đạt được sự thống nhất và phối hợp giữa nhiều tổ chức và các cuộc đấu tranh tự phát. Công lao to lớn nhất của nó là thể hiện tầm quan trọng cốt yếu của đoàn kết giai cấp và hợp tác quốc tế.
Quốc tế là trung tâm của một số cuộc tranh luận nổi tiếng nhất của phong trào lao động, chẳng hạn như cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa cộng sản và chế độ vô chính phủ. Các đại hội của Quốc tế cũng là nơi lần đầu tiên một tổ chức xuyên quốc gia lớn đi đến quyết định về những vấn đề quan trọng đã được thảo luận trước khi thành lập, sau đó trở thành những điểm chiến lược trong các chương trình chính trị của các phong trào xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới. Trong số đó có chức năng không thể thiếu của tổ chức công đoàn, xã hội hóa đất đai và tư liệu sản xuất, tầm quan trọng của việc tham gia bầu cử và thực hiện điều này thông qua các đảng độc lập của giai cấp công nhân, giải phóng phụ nữ, và quan niệm chiến tranh là sản phẩm tất yếu của hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Quốc tế cũng lan rộng ra ngoài châu Âu. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, những người nhập cư đến trong những năm gần đây đã bắt đầu thành lập các khu vực đầu tiên của Tổ chức Quốc Tế tại Mỹ, nhưng tổ chức này đã mắc phải hai lời nguyền khi sinh ra sẽ không bao giờ vượt qua được. Bất chấp những lời khuyến khích lặp đi lặp lại từ Đại hội đồng ở London, nó không thể cắt bỏ tính dân tộc chủ nghĩa của các nhóm liên kết khác nhau hoặc thu hút những người lao động sinh ra ở “Thế giới mới” [ Lao động sinh ra ở Châu Mỹ]. Khi các bộ phận Đức, Pháp và Czech thành lập Ủy ban Trung ương của Quốc Tế ở Bắc Mỹ, vào tháng 12 năm 1870, lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc Tế chỉ có các thành viên “sinh ra ở nước ngoài”[ Lao động di cư từ Châu Âu]. Khía cạnh nổi bật nhất của sự bất thường này là Tổ chức Quốc Tế ở Mỹ không bao giờ sản xuất một cơ quan báo chí bằng tiếng Anh. Vào đầu những năm 1870, Quốc Tế đạt tổng cộng năm mươi bộ phận với tổng số thành viên là bốn nghìn người, nhưng đây vẫn chỉ là một tỷ lệ nhỏ trong lực lượng lao động công nghiệp của Mỹ với hơn hai triệu người.
Đỉnh điểm và khủng hoảng
Thời điểm quan trọng nhất của Quốc Tế trùng với thời điểm Công xã Paris. Vào tháng 3 năm 1871, sau khi Chiến tranh Pháp-Phổ kết thúc, công nhân Paris đã nổi dậy chống lại chính phủ mới của Adolphe Thiers và lên nắm quyền ở thành phố. Do đó, Quốc Tế là tâm điểm của cơn bão và nhận khá nhiều tai tiếng.
Đối với các nhà tư bản và tầng lớp trung lưu, nó đại diện cho một mối đe dọa lớn đối với trật tự đã được thiết lập, trong khi đối với người lao động, nó tạo ra hy vọng về một thế giới không bị bóc lột và bất công. Phong trào lao động có sức sống vô cùng to lớn, và điều đó thể hiện rõ ở khắp mọi nơi. Báo chí liên kết với Quốc Tế tăng cả về số lượng và doanh số bán hàng trong tổng thể. Cuộc nổi dậy ở Paris đã củng cố phong trào công nhân, thúc đẩy nó áp dụng các quan điểm cấp tiến hơn và tăng cường sức mạnh của nó, và không phải lần đầu tiên, Pháp cho thấy rằng cuộc cách mạng là điều có thể xảy ra, tuy nhiên lần này là với mục tiêu xây dựng các hình thức liên kết chính trị mới cho người lao động.
Bước tiếp theo cần thực hiện, như Marx đã nói, là hiểu rằng “phong trào kinh tế của giai cấp công nhân và hành động chính trị của nó là thống nhất với nhau bất khả phân ly”. Điều đó đã khiến Quốc tết tại Hội nghị London năm 1871, thúc đẩy nền tảng của một công cụ quan trọng của phong trào công nhân hiện đại: đảng chính trị – mặc dù cần nhấn mạnh rằng cách hiểu về điều này rộng hơn nhiều so với cách hiểu của những người cộng sản và các tổ chức sau Cách mạng Tháng Mười.
Khi Quốc Tế tự giải tán sau Đại hội La Hay năm 1872, nó là một tổ chức rất khác so với tổ chức tại thời điểm thành lập: những người theo chủ nghĩa cải cách không còn là yếu tố cấu thành số lượng lớn của nó nữa, và chủ nghĩa phản tài sản đã trở thành vị trí chính trị của toàn bộ hiệp hội (bao gồm những khuynh hướng mới như phe vô chính phủ do Mikhail Bakunin lãnh đạo). Bức tranh rộng hơn cũng hoàn toàn khác. Sự thống nhất của nước Đức vào năm 1871 khẳng định sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, với nhà nước dân tộc là hình thức trung tâm của bản sắc chính trị, luật pháp và lãnh thổ.
Cấu trúc ban đầu của Quốc Tế do đó đã trở nên lỗi thời, giống như sứ mệnh ban đầu của nó đã kết thúc. Nhiệm vụ không còn là chuẩn bị và tổ chức sự ủng hộ trên toàn Châu Âu cho các cuộc đình công, cũng không kêu gọi các đại hội tuyên bố về tính hữu ích của các tổ chức công đoàn hay nhu cầu xã hội hóa đất đai và tư liệu sản xuất. Những chủ đề như vậy giờ đây đã trở thành một phần di sản chung của Quốc tế. Sau Công xã Paris, thách thức thực sự đối với phong trào công nhân là làm thế nào để chấm dứt phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và lật đổ các thể chế của thế giới tư sản.
Chủ nghĩa quốc tế của chúng ta
Lễ kỷ niệm 156 năm Đệ Nhất Quốc Tế diễn ra trong một bối cảnh rất khác. Đệ Nhất Quốc Tế của thời đại đó đối với chúng ta ngày nay, đã cho chúng ta một tinh thần chống hệ thống và sự đoàn kết thoát khỏi sự phục tùng ý thức hệ và chủ nghĩa cá nhân của một thế giới được định hình lại bởi sự cạnh tranh và tư nhân hóa tân tự do.
Thế giới lao động đã phải trải qua một thất bại thảm khốc, và Cánh tả vẫn đang ở giữa cuộc khủng hoảng sâu sắc. Sau nhiều thập kỷ áp dụng các chính sách tân tự do, chúng ta đã trở lại một hệ thống bóc lột, tương tự như ở thế kỷ XIX. “Cải cách” thị trường lao động – một thuật ngữ ngày nay đã không còn ý nghĩa tiến bộ ban đầu của nó – ngày càng mang lại tính “linh hoạt” hơn trong mỗi năm trôi qua, tạo ra sự bất bình đẳng sâu sắc hơn. Những chuyển dịch kinh tế và chính trị lớn khác nối tiếp nhau, sau khi khối Soviet sụp đổ. Trong số đó, có những thay đổi xã hội do toàn cầu hóa tạo ra, những thảm họa sinh thái do phương thức sản xuất hiện tại gây ra, hố sâu ngày càng gia tăng giữa số ít người giàu có bóc lột và phần lớn người nghèo khổ, một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất của chủ nghĩa tư bản (cuộc khủng hoảng đã nổ ra năm 2008) trong lịch sử, những cơn gió dữ dội của chiến tranh, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa sô vanh, và gần đây nhất là đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh như thế này, đoàn kết giai cấp càng không thể thiếu. Chính Marx đã nhấn mạnh rằng sự đối đầu giữa những người lao động – kể cả giữa những người lao động địa phương và lao động nhập cư (những người còn bị phân biệt đối xử) – là một yếu tố thiết yếu dẫn đến sự thống trị của các giai cấp thống trị. Chắc chắn phải phát minh ra những cách thức mới để giải quyết xung đột xã hội, các đảng phái chính trị và tổ chức công đoàn, vì chúng ta không thể dùng lại các kế hoạch đã được sử dụng 150 năm trước. Nhưng bài học cũ của Quốc Tế vẫn còn nguyên giá trị rằng công nhân sẽ bị đánh bại nếu họ không tổ chức một mặt trận chung của những người bị bóc lột. Nếu không có điều đó, chân trời duy nhất của chúng ta là cuộc chiến giữa sự cạnh tranh nghèo nàn và không khoan nhượng giữa các cá nhân.
Sự man rợ của trật tự thế giới ngày nay đặt ra cho phong trào công nhân đương đại nhu cầu cấp thiết phải tự tổ chức lại trên cơ sở hai đặc điểm chính của Quốc tế: tính đa dạng của cơ cấu và chủ nghĩa cấp tiến trong các mục tiêu. Mục tiêu của tổ chức được thành lập ở London vào năm 1864 ngày nay là hợp thời hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để vượt qua những thách thức của hiện tại, Quốc tế mới không thể trốn tránh các yêu cầu song sinh của chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa phản dân chủ.
Người dịch: Sally Mju
Marcello
Musto